Nấu chín thịt
Thịt là nơi trú ngụ của nhiều mầm bệnh, ví dụ vi khuẩn E.coli thường có trong thịt bò. Nếu không được nấu chín, các mầm bệnh vẫn sống sót và dẫn tới ngộ độc.
Tránh ăn uống ngoài đường
Thức ăn ngoài đường thường không đảm bảo vệ sinh. Thời tiết nóng nực ngày hè và vệ sinh không đảm bảo là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh sinh sôi. Vì vậy, bạn hãy tránh ăn uống bên ngoài.
Kiểm tra kỹ hạn sử dụng
Không tiếc rẻ đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kỹ lưỡng thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.
Sử dụng và chế biến thực phẩm một cách cẩn trọng và an toàn để phòng tránh ngộ độc. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh dễ gây ô nhiễm
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.
Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.
Luôn giữ vệ sinh
Giữ vệ sinh là một nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sức khỏe, và việc này đặc biệt quan trọng trong mùa hè. Bạn hãy giữ vệ sinh tốt, rửa tay trước và sau mỗi bữa ăn. Đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.
Thuộc lòng 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn sau:
Theo Báo Vietnamnet: Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn:
1. Chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Phòng ngừa là cách chữa bệnh tốt nhất trong hàng loạt các biện pháp đối phó với các vấn đề ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Vậy nên, các bà nội trợ hãy lưu ý để tránh những rủi ro đáng tiếc này cho gia đình mình, nhất là cho những đứa trẻ nhà mình.